Bài thơ Tây Tiến được biết đến là một bài thơ hay trong chùm các bài thơ viết về người lính. Bài thơ đã tái hiện được vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, nổi bật hơn là hình ảnh người lính kiên cường, dũng cảm. Để tìm hiểu thêm về bài thơ Tây Tiến, mời bạn đọc theo dõi bài viết: Thể thơ Tây Tiến? Cảm hứng chủ đạo của bài thơ Tây Tiến?

    1. Thể thơ Tây Tiến là gì?

    Thể thơ được sử dụng trong bài thơ Tây Tiến là thể thơ bảy chữ (thất ngôn). 

    • Mẫu 1:

    Khi nhắc đến khái niệm “lãng mạn” người ta thường đồng nhất nó với những gì xa rời thực tế, cá nhân, tiêu cực, mềm yếu,… Người ta thường phản đối, phê phán, thậm chí tẩy chay khi bất kì ai sử dụng nó trong tác phẩm của mình. Nhưng xét đến tận cùng, phần lãng mạn ấy không thể thiếu trong đời sống tinh thần, trong tâm hồn con người và cái gọi là “lãng mạn” ấy cũng thật nhiều vẻ, nhiều hình. Nó có thể làm con người ta nhỏ lại yếu hèn đi nhưng cũng có thể đem đến cho con người có sức mạnh phi thường để làm nên những điều phi thường. Ta bắt gặp cảm hứng lãng mạn ấy xuyên suốt toàn tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quãng Dũng – một tác phẩm mang đậm chất sử thi, đậm chất lãng mạn anh hùng, lãng mạn cách mạng.

    Cảm hứng chủ đạo là trạng thái cảm xúc mãnh liệt đóng vai trò quan trọng trong suốt tác phẩm văn học gắn liền với tư tưởng, đánh giá của tác giả và có sự tác động mạnh mẽ đến người đọc. Cảm hứng lãng mạn trong văn học thường là xu thế vươn lên, vượt lên trên thực tại khách quan bằng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ, thể hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng về những vẻ đẹp khác lạ trong thế giới mơ ước, tưởng tượng, ở tương lai hay quá khứ. 

    Trong bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã rất chú trọng đến những đặc trưng của cảm hứng lãng mạn khi biểu đạt cảm xúc của mình. Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến chính là cảm hứng bay bổng của nhà thơ hướng tới vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của thiên nhiên và con người Tây Bắc. Bút pháp lãng mạn thể hiện trước tiên ở sự tương phản vẻ đẹp thiên nhiên vừa thơ mộng vừa trữ tình, vừa dữ dội, vừa kì vĩ của núi rừng. Quang Dũng đã chú ý lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu nhất ẩn chứa linh hồn của miền đất này. Vẻ thơ mộng trữ tình của cảnh vật hiện lên với tất cả mỹ lệ, quyến rũ, làm xao xuyến lòng người. Vì thế, bên cạnh thiên nhiên hiểm trở, dữ dằn, những núi đá cheo leo, những cảnh rừng thiêng nước độc thì ta lại thấy một thiên nhiên thơ mộng đến say người, một Tây Bắc đẹp như tranh thủy mặc. Bút pháp lãng mạn phát huy ưu thế trong việc xây dựng sự tương phản trong vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến. Vẻ đẹp của những người lính được cảm nhận từ một hiện thực gian khổ và đầy khốc liệt, khó khăn. Chính nhờ chất lãng mạn ấy mà người lính Tây Tiến đã vượt qua mọi vất vả, gian lao, mọi khó khăn thử thách. 

    Cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng tạo một dấu ấn đậm nét trong nền thơ Việt Nam thời kỳ chống thực dân Pháp. Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hòa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến lãng mạn nhưng vẫn đậm chất bi tráng, thiên nhiên Tây Tiến dữ dội, hùng vĩ nhưng không kém phần mỹ lệ. Cách khắc họa vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh, bí tráng của người lính và vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên qua bút pháp lãng mạn của nhà thơ đã tạo nên nét độc đáo, mới lạ của tác phẩm này.

    • Mẫu 2: 

    Quang Dũng là một trong những nhà thơ nổi bật của nền thơ Việt Nam đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thơ ông giàu chất lãng mạn, là sự kết hợp hài hòa giữa thơ ca, âm nhạc và hội họa. Quang Dũng thường viết về quê hương với tình yêu mến tha thiết. Tây Tiến là tác phẩm nổi bật nhất của Quang Dũng, được in trong tập Đôi mát người Sơn Tây. Bài thơ được viết trong nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về đồng đội, về những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến gắn liền với khung cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng rất trữ tình, thơ mộng. Điểm bắt đầu đến diễn biến và kết thúc của hành trình trở về với quá khứ của Quang Dũng là nỗi nhớ. Có thể nói nỗi nhớ chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả bài thơ khiến cho bài thơ càng trở nên dạt dào cảm xúc.

    Nỗi nhớ dẫn dắt Quang Dũng trở về với nhiều điều đặc biệt: Khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc, hình ảnh người lính Tây Tiến. Nỗi nhớ hiện lên trong bài thơ mang trạng thái cảm xúc da diết sâu đậm. Nỗi nhớ đưa nhà thơ về với thiên nhiên Tây Bắc vừa mang nét đẹp dữ dội, khắc nghiệt vừa trữ tình, thơ mộng. Hai nét đẹp đan xen, hòa quyện với nhau trong từng nét vẽ của nhà thơ khiến cho thiên nhiên Tây Bắc hiện lên đầy màu sắc ấn tượng. Nỗi nhớ dồn nén như cuộn xoáy bên trong nhà thơ thúc giục nhà thơ bật ra thành tiếng gọi:

    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

    Tiếng gọi cất lên phảng phất một cảm giác trống trải, cô đơn của một người nặng lòng, tha thiết với Tây Tiến. Có kẽ bắt nguồn từ nỗi nhớ sâu đậm nên thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội được hiện lên trước mắt qua các hình ảnh như dốc núi cheo leo, sương dày đặc, heo hút cồn mây,…Nỗi nhớ Tây Bắc trong lòng nhà thơ cứ “chơi vơi” giữa hai gam màu ấy. Không chỉ thiên nhiên Tây Bắc mà hình ảnh người lính Tây Tiến cũng được hiện lên thật đẹp trong nỗi nhớ của Quang Dũng. Nếu như thiên nhiên vừa thơ mộng vừa dữ dội thì con người cũng hiện lên với vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn, dũng cảm nhưng cũng không kém phần hào hoa, lãng mạn. Hai vẻ đẹp đó của người lính được thể hiện sóng đôi với nhau trong từng kỉ niệm nỗi nhớ. Nhớ về chặng đường hành quân với bao nhiêu khó khăn, gian khổ, với sương lấp, dốc núi hiểm trở hay tiếng cọp dữ tợn thì người lính vẫn sẵn sàng đối mặt, chẳng hề lo lắng hay sợ hãi điều gì. Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến còn hiện lên trong nỗi nhớ của Quang Dũng qua bốn câu thơ:

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

    Chân dung người lính được khắc họa thật đặc biệt bằng những đường nét vẽ thật khác thường như “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng”. Tất cả những điều này bắt nguồn từ chính đời sống thực tế khắc nghiệt và gian khổ. Tuy nhiên, những người lính tuy khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn mang tâm hồn lãng mạn trong lòng. Nỗi nhớ về “dáng kiều thơm” như một yếu tố để cân bằng lại đời sống nội tâm của những người lính sau những ngày hành quân vất vả. 

    Với việc lựa chọn ngôn ngữ chính xác, tinh tế cùng với những hình ảnh thơ mới mẻ, nhà thơ đã vẽ lại một bức tranh với đường nét mềm mại và khỏe khoắn. Nỗi nhớ phải chân thành lắm, tình yêu phải sâu đậm lắm thì Quang Dũng mới có thể tạo nên một bức tranh mà khi nhìn vào đó người đọc có thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm của tác giả. Tây Tiến là nỗi nhớ của một con người thủy chung. Nỗi nhớ đó đưa nhà thơ về với những kỉ niệm đẹp đẽ chẳng thể nào quên. Dù nhớ về kỉ niệm bào thì cảm xúc của nhà thơ cũng thật mãnh liệt, thật chân thành và da diết. Phải là một người yêu và quý trọng những kỉ niệm thì mới có thể viết được những vần thơ như vậy. 

    3. Nét đặc sắc về thể thơ 7 chữ trong bài thơ Tây Tiến:

    Thông qua thể thơ bảy chữ cùng với sáng tạo nghệ thuật với bút pháp lãng mạn của tác giả Quang Dũng giúp người đọc hình dung rõ ràng bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng và những người lính khỏe khoắn, mạnh mẽ. Giọng thơ thay đổi mạnh mẽ theo dòng cảm xúc: khi tha thiết bồi hồi với nỗi nhớ nhung, khi lắng đọng trong kỷ niệm bâng khuâng, khi lại trang nghiêm, bi hùng gắn với những hình ảnh cùng đồng đội chiến đấu, hi sinh. Nhịp thơ linh hoạt, lúc thì ngắt nhịp nhanh, lúc lại nhẹ bẫng tạo sự cân đối, hài hòa cho toàn bài. Chất lãng mạn ấy là sức và vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. 

    THAM KHẢO THÊM:

    • Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến
    • Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca trong bài thơ Tây Tiến
    • Bút pháp nghệ thuật, cảm hứng lãng mạn trong bài Tây Tiến